VÌ SAO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG HAY BỊ RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG?
Trong các rối loạn hoạt động tình dục ở nam giới thì rối loạn cương dương hay gặp nhất. Tỷ lệ bị rối loạn cương dương ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 3 lần người bình thường, tăng lên ở người cao tuổi, bị bệnh đái tháo đường lâu, kiểm soát đường máu kém và có nnhiều biến chứng.
1. Thế nào là rối loạn cương dương?
Rối loạn cương dương là tình trạng mất khả năng đạt được sự cương cứng và duy trì sự cương cứng trong quá trình giao hợp.
Rối loạn cương dương tuy không gây ảnh hưởng tới tính mạng con người nhưng lại gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của nam giới. Nó sẽ làm giảm sút hoạt động tình dục, mất ham muốn, mất tự tin và dần gây ra những tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm xa cách.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn cương dương thường xuất hiện sớm, thời gian bị đái tháo đường càng lâu thì tỷ lệ bị rối loạn cương dương càng tăng. Thêm vào đó, các yếu tố như tuổi tác, uống rượu, kiểm soát đường huyết kém và biến chứng mạch máu ssẽ làm tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương. So với nhóm bệnh nhân rối loạn cương dương không bị đái tháo đường (cùng lứa tuổi) thì tỷ lệ rối loạn cương cứng ở bệnh nhân đái tháo đường cao hơn 3 lần. Rối loạn cương dương ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của nam giới
2. Nguyên nhân nào gây rối loạn cương dương ở người bệnh đái tháo đường?
Ở bệnh nhân đái tháo đường, nguyên nhân rối loạn cương dương thường có nhiều, nhiều trường hợp các yếu tố nguy cơ đan xen hoặc phối hợp nhau tạo nên bệnh lý rất phức tạp. Có thể xếp thành 5 nhóm nguyên nhân chính: Bệnh lý mạch máu, nội tiết, thần kinh, tâm thần và thuốc.
-
Bệnh lý mạch máu: Bệnh lý đái tháo đường không được kiểm soát cố thể dẫn tới xơ vữa gây tắc các mạch máu vùng chậu và mạch máu nuôi dưỡng dương vật.
-
Nguyên nhân nội tiết: Các bệnh lý đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa nói chung thường có cơ chế bệnh sinh riêng biệt gây đề kháng insulin, kháng leptin, tăng tiết aromatase mà hậu quả dẫn tới suy sinh dục thứ phát, giảm nồng độ Testosterone, đây là hormon giữ vai trò chủ đạo chức năng hoạt động tình dục nam giới do tác dụng kích thích vỏ não dẫn tới tăng tiết NO gây giãn động mạch dương vật làm cho dương vật cương cứng.
-
Nguyên nhân thần kinh: Bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là những bệnh nhân lạm dụng rượu, kiểm soát đường máu kém thường bị tổn thương hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm ngoại vi dẫn tới mất khả năng gây cương cứng dương vật.
-
Nguyên nhân tâm thần: Người bệnh đái tháo đường thường dễ bị stress căng thẳng tinh thần, rối loạn giấc ngủ,... dẫn tới ảnh hưởng rõ rệt tới sinh lý.
-
Nguyên nhân do dùng thuốc: một số loại thuốc tim mạch cũng có thể ảnh hưởng tới sự cương cứng như các thuốc chẹn beta giao cảm (Atenolol, Metoprolol...) điều trị bệnh mạch vành, digoxin điều trị suy tim, một số thuốc huyết áp hay các thuốc điều trị tâm thần...
3. Chẩn đoán rối loạn cương dương ở người bệnh đái tháo đường như thế nào?
Để có thể phát hiện sớm rối loạn cương dương, người bệnh cần đi khám khi có các biểu hiện như: giảm/mất khả năng cương cứng hoặc dương vật không thể cương cứng trong suốt thời gian quan hệ, giảm ham muốn tình dục,… Khi thăm khám bác sĩ sẽ đánh giá đầy đủ cho người bệnh bao gồm:
-
Đánh giá kiểm soát đường máu
-
Đánh giá biến chứng mạch máu
-
Thăm dò biến chứng thần kinh
-
Đánh giá về tâm lý
-
Kiểm tra chức năng gan, thận, nồng độ Testosterone
-
Tiền sử dùng thuốc, lạm dụng rượu
4. Xử trí rối loạn cương dương ở người bệnh đái tháo đường như thế nào?
Rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường có thể được điều trị thông qua sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và can thiệp y tế. Sau đây là một số cách điều trị rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu đường:
-
Kiểm soát lượng đường trong máu: Duy trì kiểm soát lượng đường trong máu tốt có thể giúp cải thiện chức năng cương dương và ngăn ngừa rối loạn cương dương
-
Tập thể dục: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể cải thiện lưu lượng máu và sức khỏe tổng thể.
-
Chế độ ăn uống: Không hút thuốc lá; Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo và nhiều trái cây, rau và ngũ cốc có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể
-
Thuốc: Các loại thuốc như thuốc ức chế phosphodiesterase loại 5 (PDE5) (ví dụ Sildenafil, Tadalafil, Vardenafil) và liệu pháp thay thế testosterone có thể có hiệu quả trong điều trị một số trường hợp rối loạn cương dương.
-
Thiết bị: Thiết bị cương cứng chân không cũng có thể được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương bằng cách tạo chân không xung quanh dương vật giúp tăng lưu lượng máu.
-
Liệu pháp tâm lý: Đối với một số nam giới, các yếu tố tâm lý có thể đóng một vai trò trong rối loạn cương dương và liệu pháp có thể giúp giải quyết những vấn đề này.
Để có thể chẩn đoán chính xác và có kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho rối loạn cương dương ở bệnh nhân đái tháo đường, người bệnh cần được thăm khám sớm khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào xảy ra. Người bệnh cũng cần tích cực thay đổi lối sống nhằm khắc phục biến chứng này.